Trẻ em chưa thực sự được bảo vệ trong gia đình

Trẻ em chưa thực sự được bảo vệ trong gia đìnhTrong nhiều năm qua, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, đời sống tinh thần của nhân dân nói chung và của từng gia đình nói riêng được nâng lên. Những yếu tố cơ bản này đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

trẻ em chưa thực sự được bảo vệ

Trẻ em chưa thực sự được bảo vệ trong gia đình

Cả từ góc độ pháp lý, cả từ khía cạnh đạo đức, truyền thống thì trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước hết là thuộc về gia đình. Trong nhiều năm qua, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, đời sống tinh thần của nhân dân nói chung và của từng gia đình nói riêng được nâng lên. Những yếu tố cơ bản này đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Có thể nói, mặc dù điều kiện, mức độ đầu tư chăm sóc con cái của các gia đình còn chênh lệch nhau, song hầu hết các gia đình đều ưu tiên đến mức cao nhất cho việc chăm lo cho trẻ em được ăn, mặc, học hành, khám chữa bệnh…

Nhận thức của cha mẹ về chăm sóc, nuôi dạy và bảo vệ trẻ em đã từng bước được nâng lên. Tuy vậy, qua sự phản ánh của báo chí và qua các kết quả khảo sát, điều tra thì có thể nói hiện nay tình trạng trẻ em thiếu sự quan tâm, bị xúc phạm, xâm hại, trừng phạt, bạo lực, bóc lột… hiện vẫn đang ở mức cao và càng ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Điều đáng lo lắng là những hiện tượng này diễn ra không chỉ trong môi trường xã hội mà còn ở ngay trong chính gia đình của các em. Nói cách khác, trẻ em chưa được bảo vệ, chưa được an toàn ngay trong nhà mình, quyền của trẻ em chưa được chính các bậc cha mẹ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Tất nhiên, khi trẻ em bị mất an toàn (cả về thể xác, cả về tinh thần) ngay trong nhà mình thì lỗi trước tiên phải thuộc về cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Có thể kể ra đây một số nguyên nhân chính dẫn đến sự hạn chế trong ý thức của gia đình đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Tại sao trẻ em chưa thực sự được bảo vệ trong gia đình

Thứ nhất
Đó là do một số quan niệm mang nặng tư tưởng phong kiến còn khá phổ biến như: coi con cái là “sở hữu” của cha mẹ, cha mẹ yêu cầu gì, ép buộc gì con cái cũng phải răm rắp theo, không được bày tỏ ý kiến; quan niệm dạy con là việc riêng của từng gia đình, không ai bên ngoài có quyền góp ý hay can thiệp; nhiều gia đình áp dụng phương pháp “yêu cho roi cho vọt” đối với con; hà khắc với trẻ em gái vì cho rằng “con gái là con người ta”… Chính vì những quan niệm bảo thủ, phong kiến nặng nề này mà trong không ít gia đình, trẻ em đã phải chịu đựng bạo hành về thể xác và tinh thần; ý kiến của các em không được cha mẹ tôn trọng, danh dự bị xúc phạm… Hậu quả là không ít em đã có những hành động dại dột, rất thương tâm; nhiều em bỏ nhà đi lang thang, rơi vào cạm bẫy của các tệ nạn xã hội. Nói cách khác là những em này đã bị chính cha mẹ mình đẩy vào nhóm có nguy cơ trở thành trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ hai
Là do trình độ học vấn của nhiều bậc cha mẹ còn thấp nên chưa có hiểu biết đầy đủ trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong nhiều gia đình, trẻ em không bị thiếu ăn nhưng vẫn suy dinh dưỡng; khi đau ốm vẫn được cha mẹ đưa đi chữa trị nhưng lại không phải tại các cơ sở y tế; nhà cửa tương đối khang trang nhưng lại có rất nhiều nguy cơ gây tai nạn cho trẻ; kinh tế không quá thiếu thốn nhưng lại rất nghèo về thông tin… Chính vì sự thiếu hiểu biết của cha mẹ mà rất nhiều trẻ em, tuy được sống trong những gia đình tạm đầy đủ về điều kiện vật chất, nhưng vẫn chưa được bảo vệ và chăm sóc một cách phù hợp. Có không ít trẻ em đã trở thành tàn phế do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ. Nói cách khác là chính gia đình đã vô tình biến các em thành trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Thứ ba
Là hiểu biết của không ít gia đình về Quyền trẻ em còn quá mờ nhạt. Rất nhiều gia đình chăm lo cho con em một cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, chuyện con cái bị cha mẹ xúc phạm, trừng phạt (bằng cách này hay cách khác) lại xảy ra thường xuyên. Đặc biệt là khi trẻ em mắc lỗi, do chưa hiểu biết về quyền trẻ em hoặc có biết nhưng không tôn trọng, không thực hiện, nên nhiều gia đình đã có cách xử lý thô bạo, thiếu thân thiện với trẻ em, khiến các em tự tìm đến những cách giải quyết hết sức đau lòng. Có những gia đình còn dùng trẻ em để giải quyết mâu thuẫn của người lớn.
Nguồn: sưu tầm

(treemlatuonglai) - Trẻ em chưa thực sự được bảo vệ trong gia đình
Trẻ em chưa thực sự được bảo vệ trong gia đình Trẻ em chưa thực sự được bảo vệ trong gia đình Reviewed by Kaka on tháng 8 17, 2017 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.